Bạn rất thân mến, dù yêu Bạn tha thiết, dù muốn luôn luôn chỉ nghĩ hay nghĩ tốt về Bạn, tôi cũng phải buộc lòng mà nói với Bạn rằng: Hỡi Bạn, chính những tội lỗi Bạn đã phạm, làm cớ cho Bạn đau khổ. Nói kiểu khác, chính Bạn đã làm cớ cho Bạn đau khổ. Bạn hãy xét mình lại, từ nhỏ đến giờ, Bạn đã phạm biết bao giống tội, tội bề trong, tội bề ngoài, tội phạm một mình, tội phạm chung với người khác, tội lỗi Luật Chúa, tội lỗi Luật Giáo hội, tội lỗi bổn phận: bổn phận của người giáo hữu, bổn phận của người đi tu, bổn phận của bậc người mà Chúa đã đặt Bạn vào… Bạn thử ngồi mà tính xem, số tội ấy to tát, lớn lao, nhiều khi nặng nề chừng nào! Ấy là tôi chỉ xin Bạn tính những tội Bạn còn nhớ thôi, chứ nếu nhờ ơn Chúa soi sáng, Bạn lại nhớ được tất cả những tội Bạn đã phạm từ khi biết phạm tội cho đến ngày nay, không trừ một tội nào, thì tôi không hiểu, Bạn còn can đảm mà tính lại không, và tôi không hiểu khi tính lại như thế, Bạn có đủ sức để sống nữa không, hay Bạn sẽ chết vì rùng mình sợ hãi? Bạn sẽ bảo mình: “Thương ôi! Tôi đã phạm tội nhiều và nặng nề đến thế ư? Tôi đã làm phiền lòng Chúa nhân từ đến thế ư?” Phải, Bạn đã phạm tội nhiều như thế đấy! Bạn đã làm phiền lòng Chúa đến thế đấy, và còn hơn thế nữa, vì Bạn không thể hiểu được tội làm phiền lòng Chúa đến mức nào. Khổ một điều là sự dốt nát và nhất là lòng tự ái của chúng ta thường che lấp những tội chúng ta phạm đến Chúa và không cho thấy – ít ra theo sức loài người của chúng ta – tội lỗi là sự kinh khủng ghê gớm chừng nào. Chắc Bạn cũng nhớ truyện vua Đavít, sau khi đã cả gan phạm hai tội ngoại tình và giết người, thì được Chúa sai Tiên tri Natan đến. Tiên tri lấy một ví dụ cho Vua hiểu tội mình. Một người giầu có, nhân một người bạn đến chơi, đã chẳng lấy một con trong đoàn vật của mình để thết tiệc bạn, lại cướp con cừu độc nhất của người láng giềng nghèo khó… Nghe vậy, Vua liền thịnh nộ và nhất định sẽ phạt nhà giàu ấy cho đáng tội. Tiên tri mới cho Vua hiểu: Người giàu đó chính là Vua, vì Vua đã cướp vợ ông Uria, trong khi Vua có sẵn trong Điện bao nhiêu thê thiếp. (9) Xét về phương diện tôi đang nói ở đây, chúng ta đều giống Vua Đavít cả. Vì yêu Bạn, vì tín nhiệm ở Bạn, tôi đoán Bạn chưa phạm tội trọng mất lòng Chúa; nếu được vậy, thì sung sướng nào bằng! Tôi hãy tưởng tượng rằng: Bạn mới chỉ phạm một tội nhẹ, phải, dù Bạn mới chỉ phạm tội nhẹ mất lòng Chúa, thì Bạn ôi, Bạn cũng đáng chịu trăm ngàn sự đau đớn xác hồn và chịu cho đến tận thế, rồi chịu mãi trong luyện ngục để đền cái tội nhẹ ấy. Nếu Bạn hiểu được, tội nhẹ là cái gì, cái mà chúng ta gọi là tội nhẹ, trước mắt Chúa nó to tát chừng nào, thì Bạn sẽ vui lòng chịu hết mọi sự đau đớn phiền muộn ở đời để đền tội ấy. Vậy nếu không có công nghiệp vô cùng Chúa Giêsu đền tội thay cho ta, thì dù ta ra sức đền một tội nhẹ cho đến tận thế, cũng không đền nổi, dù ta đành chịu lấy mọi sự đau đớn xác hồn một mình thay cho nhân loại, thì cũng không sao một mình đền được một tội nhẹ. Vì tội nhẹ là gì? Là một sự sỉ nhục đến Đấng Cao trọng vô cùng, đến Chúa tể càn khôn vũ trụ, cho nên phải có công nghiệp của một Đấng khác cũng cao trọng vô cùng, mới đền được tội nhẹ. Thế mà những sự đau đớn ta chịu thì có cùng, có hạn, lấy cái có cùng có hạn, để đền vào cái vô cùng, vô hạn sao được? Bởi thế, bao nhiêu sự khó Bạn chịu đời này, không thấm vào đâu với những hình phạt Bạn đáng chịu vì một tội nhẹ. Huống nữa trong đời, Bạn cũng như mọi người khác, chúng ta đã phạm biết bao tội nhẹ, phạm nhiều đến không thể đếm, không thể nhớ được, thì không lẽ ta còn kêu ca khi phải chịu một hai sự khó để đền tội. Nhưng chốc nữa, tôi sẽ nói đến việc đền tội, bây giờ thì chỉ nói: Ta đã phạm tội, thì phải chịu phạt. Bạn hãy nghe lời Chúa phán với Thánh nữ Catarina, người thành Xiêna: “Hỡi con, con có biết không, tất cả các thứ đau phiền một linh hồn phải chịu và có thể chịu được ở đời này, không thể đền được một tội nhẹ nhất.” Chúa phán tiếp: “Sự sỉ nhục làm cho Cha chịu là Đấng vô cùng, đòi phải có một sự đền tội vô cùng”. (10 ) Tôi nói lại Bạn hãy suy lời ấy, suy đi suy lại cho thấm thía, rồi Bạn sẽ thấy những hình khổ, những sự đau đớn Bạn chịu ở đời này chưa thấm vào đâu với sự đau khổ Bạn đáng chịu để đền một tội nhẹ, dù chỉ là một thứ tội nhẹ nhất. Hơn nữa, Bạn ôi! Nếu trong đời Bạn, Bạn đã trót dại phạm một tội trọng, tôi chỉ nói ví dụ thế thôi, chứ tôi chắc Bạn chưa dám phạm tội trọng mất lòng Chúa, phải, tôi hãy tưởng tượng như Bạn đã phạm một tội trọng mất lòng Chúa, phải, chỉ một tội trọng chứ không cần nhiều, thì than ôi, Bạn có biết Bạn đáng chịu gì để đền tội trọng ấy không. Bạn hãy nghe, để đền một tội trọng Bạn phải xuống hỏa ngục, không phải chỉ trong một hai năm, hoặc một trăm một nghìn, một triệu năm, không phải để chịu năm ba hình khổ, mà là để chịu hết các thứ đau khổ, và chịu cho đến đời đời… chứ bao nhiêu sự khổ khác ở đời này, không đủ để phạt một tội trọng. Bạn hãy xin Chúa cho Bạn hiểu thế nào là tội trọng, thì Bạn sẽ vui lòng chịu hết các sự đau đớn ở đời, để đền một tội trọng đã trót phạm ấy, và Bạn sẽ không thấy những sự khổ Bạn chịu là nặng nề quá, là đau đớn quá. Không những Bạn sẽ vui lòng chịu, Bạn lại còn ước ao chịu cho nhiều để đền tội quái gở ấy nữa. Nói kiểu khác, nếu Bạn đã trót dại phạm một tội trọng, thì Bạn là người vượt hỏa ngục. Bạn hãy suy đi suy lại lời sau này của Thánh Ghêgoriô: “Khi chúng ta bị Chúa để cho chịu đau khổ, chúng ta hãy ôn đi ôn lại những lỗi lầm mà đau đớn trong thinh lặng, chúng ta hãy đặt trước mắt chúng ta tất cả những việc tội lỗi chúng ta đã làm, thì chúng ta sẽ thêm lòng thống hối ăn năn hơn là sẽ kêu ca lẩm bẩm”. (11) Đàng khác, một khi đã “vượt được hỏa ngục” Bạn có dám chắc Bạn sẽ không rơi lại vào đó nữa không? Không, không ai dám chắc được điều ấy. Thánh Anphongsô dạy cho Bạn biết rằng: Bạn lại có thể sa vào chốn khốn nạn ấy, và chỉ một tội nhẹ, cũng có thể dần dần đưa Bạn đến tội trọng và như vậy là đẩy Bạn xuống hỏa ngục. Bởi thế, thay vì kêu trách Chúa khi gặp đau khổ, Bạn sẽ làm như Thánh Isidôrô, linh mục. Một hôm, một thầy tu sĩ thấy người nước mắt giàn giụa thì hỏi tại sao. Thánh nhân đáp: “Tôi khóc lóc tội lỗi tôi, vì nếu chúng ta chỉ phạm đến Chúa một lần thôi, chúng ta cũng không đủ nước mắt để đền tai nạn ghê gớm ấy”. (12) Một lần, Chúa cho Bà thánh Catarina người thành Xiêna, được thấy một tí sự xấu xa của tội. Bà chỉ được thấy thoáng qua như chớp, thế mà Bà kinh khiếp đến nỗi máu trong mạch đọng lại, khiến Bà la lên kinh khủng. Sau Bà nói: “Nếu Chúa còn để tôi xem thêm một tí nữa thì dù thân thể tôi có bằng kim cương, nó cũng ngã chết tức thì”. Bà nói thêm: “Khi tôi nghĩ đến sự xấu xa của hình bóng một tội, tôi tưởng nếu Chúa không gìn giữ, tôi sẽ phải chết; và ở trên đời, nếu tôi ước ao cái gì, thì ấy là ước ao tả được những cái tôi biết và cảm trong mình, khi được thấy một tội; và nếu tôi phải chịu hết mọi thứ hình khổ của các Thánh Tử Đạo và của các kẻ dữ để làm cho người ta biết, và hiểu được sự quái gở ấy, thì tôi cũng cam lòng. Từ ngày Chúa thương cho tôi biết tội lỗi xấu xa thế nào, thì tôi không còn ngạc nhiên sao hỏa ngục lại ghê sợ đến thế, và lâu đời đời. Trái lại, tôi thấy các hình khổ trong hỏa ngục hãy còn nhẹ nhàng êm ái khi sánh với sự ghê tởm của một tội, vì hình bóng của một tội mọn cũng đủ làm cho tôi sợ hãi quá sức… ” (13) Vậy, vì yêu Bạn tha thiết, mà tôi không muốn thấy Bạn than thở kêu ca, khi phải chịu đau đớn, phiền buồn. Tôi đau lòng khi thấy Bạn phải chịu đau đớn, khi thấy Bạn không được vui, nhưng tôi còn buồn phiền hơn nữa, khi thấy Bạn không chịu khó cho nên, nhất là khi thấy Bạn kêu ca lẩm bẩm, như trách Chúa sao để Bạn chịu khó nhiều như vậy. Chưa nhiều, Bạn ạ. Tội lỗi ta còn đáng cho ta chịu nhiều hơn nữa, chịu nhiều không thể tưởng tượng được. Bạn đừng bắt chước người trộm bên trái trên thập giá. Anh ta đã kêu ca, đã oán Chúa, đã nói phạm… Bạn hãy bắt chước người trộm bên phải, nhẫn nại để đền tội. Và thực sự, người trộm lành đã đền được tội, và đã được Chúa hứa thiên đàng ngay lúc còn sống. Có lẽ Chúa đã tha các tội cho Bạn. Tôi cũng mong thế. Nhưng Chúa đã thương Bạn, đã cứu Bạn khỏi hỏa ngục, khỏi luyện ngục lâu dài, thì Bạn lại không vui lòng chịu một đôi sự khó Chúa gửi đến để đáp đền ơn Chúa ư? Hỏa ngục, luyện ngục, ghê gớm lắm Bạn ạ, nhưng tôi sẽ nói sau. Đây, tôi xin Bạn, nếu Bạn thực tình mến Chúa, hàng ngày Bạn hãy than thở cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, bao nhiêu cũng được, miễn con chịu khó cho nên, và xin Chúa ban cho con được ơn chịu cho nên, cho nhẫn nại, không oán thán, không phiền buồn. Vâng, lạy Chúa, tội lỗi con đã phạm làm cho con đáng chịu những sự khó con đang chịu bây giờ, và trăm nghìn sự khổ sở đau đớn khác nữa. Con xin tin thật như vậy… Nhưng, lạy Chúa, xác thịt thì lúc nào cũng là xác thịt, nghĩa là nó vẫn yếu đuối lắm lắm, nên con dễ quên, thành thử nhiều phen con trách Chúa, nếu không trách ra ngoài miệng, thì cách con ăn ở cũng như con trách Chúa thật. Thôi, từ nay con xin cam lòng chịu hết các sự đau khổ hồn xác, Chúa sẽ thương gửi đến cho con. Xin Chúa giúp con nhẫn nại chịu cho hết. Nếu cần, xin Chúa cứ gửi thêm thánh giá cho con. Con sẵn sàng lĩnh nhận hết mọi gánh nặng Chúa sẽ đặt lên vai con. Con chỉ cần sức mạnh của Chúa, vì có sức mạnh của Chúa thì con không sợ gì nữa, con không sợ, mà con lại sẽ sung sướng, vì được chịu khó; con không sợ, mà con lại sẽ ước ao, lại sẽ đi tìm chịu khó cho nhiều nữa… ” “Lạy Đức Mẹ, xin giúp con chịu khó cho nhẫn nại như Mẹ xưa, để con đáng được gọi là con thảo hiền của Mẹ sầu bi. Amen”. (9) 2 Sam. 12, 1-13 (10) Sách Dial. Đoạn III,1… (11) Sách Mor. III trang 12 (12) Ecole de Perfection religieuse, Cha Clément, trang 248 (13) Le Prêtre dans le Ministère: J. Bertihier quyển 1 trang 558 số 1662
|